Nhắc đến những món ngon từ vịt, không thể bỏ qua vịt nấu chao. Đây là một món ăn có nguồn gốc từ phía Nam nhưng phổ biến trên cả nước và được rất nhiều người yêu thích. Vịt thơm ngọt hòa quyện với chao mềm thơm, béo béo cực kì hấp dẫn. Thay vì phải ra hàng quán để thưởng thức món ăn ngon tuyệt này, hãy tự trổ tài bếp núc của mình với công thức vịt nấu chao ngon bất bại mà Lorca giới thiệu dưới đây nhé!
Xem thêm:
Nguyên liệu làm vịt nấu chao
Để làm món vịt nấu chao, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 1/2 con vịt (khoảng 1kg)
- 3 miếng chao đỏ, 2 miếng trắng
- 0,4g khoai môn
- Nước dừa
- Hành tím, tỏi
- Rau thơm: rau ngổ, mùi tàu, hành lá
- Gia vị: đường, muối, hạt nêm, hạt tiêu
- Rượu trắng
- Gừng
- Chanh tươi
Cách làm vịt nấu chao
Bước 1. Sơ chế thịt vịt
Thịt vịt thường có mùi hôi đặc trưng, do đó, muốn làm vịt nấu chao ngon, bạn cần sơ chế vịt thật sạch.
Khi mua vịt, bạn chọn mua những miếng thịt tươi ngon, không có mùi hay màu sắc lạ. Kiểm tra độ đàn hồi của vịt bằng cách ấn nhẹ tay lên miếng thịt. Nếu thấy thịt vịt đàn hồi lại ngay lập tức là vịt tươi, ngon. Loại thịt để lại vết lõm khi ấn tay vào là thịt để lâu, hỏng và không nên sử dụng.
Sau khi mua vịt về, bạn chuẩn bị hỗn hợp gồm có rượu trắng, muối, gừng đập dập và một ít nước cốt chanh. Khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện rồi chà xát lên miếng vịt. Bạn chà cả phần da và thịt thật kĩ để vịt không còn hôi nữa.
Rửa lại vịt với nước cho sạch, để ráo. Chặt vịt thành những miếng vừa ăn.
Bước 2. Ướp vịt với gia vị
Để làm vịt nấu chao đậm đà hơn, bạn đem vịt đi ướp trước khi nấu.
Cho vịt vào âu. Tán nhuyễn chao và cho vào âu thịt vịt. Nêm thêm 2 thìa cafe dầu hào, 1 thìa cafe đường, 1 thìa cafe hạt nêm. Thêm 1/2 thìa cafe hạt tiêu xay và một chút muối. Cuối cùng, cho hành tỏi băm nhỏ vào.
Trộn đều thit với gia vị rồi ướp trong 30 phút.
Bước 3. Sơ chế khoai môn
Khoai môn là nguyên liệu không thể thiếu trong công thức làm vịt nấu chao. Khoai môn tạo mùi thơm, độ bùi và sánh cho món vịt. Tuy nhiên, nếu không sơ chế mà đem nấu ngay, khoai sẽ bị nát vụn.
Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch nhiều lần với nước để sạch hết nhớt. Bạn chọn loại khoai môn có nhiều mắt, sẽ thơm và bùi hơn, không bị sượng.
Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn. Khi dầu nóng thì bạn cho khoai vào chiên sơ. Sau khi chiên, bề mặt khoai sẽ cứng lại. Lúc nấu bạn có đảo nhiều cũng không sợ bị nát mà khoai cũng thơm ngon hơn.
Nếu ngại chiên dầu mỡ, sau khi cắt khoai xong, bạn đem ngâm với nước muối khoảng 30 phút. Sau đó nấu như bình thường, khoai sẽ không bị nát.
Bước 4. Xào thịt vịt và nấu với nước dừa
Bắc nồi lên bếp, cho dầu vào đun nóng. Khi dầu đã nóng thì cho hành tỏi băm vào chảo và phi thơm.
Khi hành tỏi dậy mùi, bạn cho thịt vịt vào xào. Đảo đều tay với lửa vừa cho đến khi vịt săn lại là được.
Khi vịt săn lại, bạn đổ nước dừa vào nồi sao cho nước xâm xấp mặt thịt là được. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
Bước 5. Cho khoai môn vào nấu cùng, hoàn thiện món ăn
Khi thịt vịt đã mềm, bạn cho khoai môn vào nồi. Hạ lửa nhỏ, nấu khoảng 10 phút cho tới khi khoai chín là được. Bạn dùng tăm xiên qua miếng khoai để kiếm tra độ chín.
Cuối cùng, cho phần rau thơm đã chuẩn bị vào, trộn đều là được. Múc vịt nấu chao ra bát, ăn nóng kèm với cơm, bún hay bánh mì đều được.