Lựa chọn thực phẩm an toàn là điều kiện quan trọng để đảm bảo sức khỏe của chúng ta. Trong bài viết này là những lưu ý khi lựa chọn thực phẩm mà người dùng cần tuân theo để lựa chọn được những thực phẩm chất lượng nhất.
- Đọc thêm:
Học ngay các mẹo sử dụng đồ dùng trong nhà bếp một cách tiết kiệm nhất
Thực phẩm tươi sống
Thịt lợn: Bạn nên chọn những miếng có màu hồng tươi, lớp mỡ dày (1.5 – 2cm) và không bị rỉ nước.
Thịt bò: Chọn những miếng có màu đỏ tươi, thớ nhỏ mịn, thơm mùi bò, mỡ bò màu vàng nhạt.
Thịt gà: Có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn và có độ đàn hồi cao. Da gà phải kín, lành lặn. Không có vết bẩn, mốc, không có vết gì lạ.
Cá: Phải chọn những con còn tươi, mình cá ít nhớt, có mùi tanh đặc trưng, mang khép kín màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Mắt cá sáng và hơi lồi. Thịt cá chắc, đàn hồi cao, thịt dính chặt với xương.
Tôm, mực, bạch tuộc: Còn tươi, nguyên con, đầu dính chặt với thân, khi sờ vào có cảm giác mềm dẻo, căng tự nhiên, độ đàn hồi cao, ngửi có mùi tanh đặc trưng, không có mùi lạ (như mùi khai, mùi hắc hay mùi hôi,…)
Rau, củ quả: Các loại rau, củ quả phải gọt vỏ như bí, bầu, mướp… thường an toàn hơn các loại rau ăn lá. Chọn rau còn tươi, nguyên vẹn, không bị dập hoặc có đốm màu lạ, có hình dạng bình thường, có màu sắc tự nhiên và không có mùi vị lạ.
Trái cây: Chọn những địa chỉ đáng tin cậy để mua. Nên chọn những trái có cuống tươi, màu sắc tự nhiên, cầm thấy nặng và chắc tay.
Thực phẩm khô
Cá khô: Có màu sắc vàng trong không bị ướt, cầm lên ngửi có mùi tanh nhẹ chứ không bị nặng mùi.
Tôm khô: có màu hồng đỏ tự nhiên của tôm như màu men gạch. Thịt săn chắc và không có mùi nồng nặc.
Mực khô: Không bị tanh, sờ vào không thấy ướt. Râu mực chắc vào thân, có màu trắng hồng.
Bò khô, trâu khô: Có mùi đặc trưng của thịt; khi ăn bò khô, trâu khô ngon sẽ dai và dẻo.
Măng khô: Có màu vàng nâu nhạt, màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ. Bề rộng thịt dày, mềm, không có quá nhiều xơ.
Nấm đông cô và mộc nhĩ khô: Chọn nấm có hình cúc áo, phần chân nhỏ, mình dày, có màu vàng bóng, khi sờ không thấy ướt, dưới ô nấm có những ngăn màu trắng được xếp liền với nhau.
Thực phẩm đóng gói
Phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất
Nhãn mác phải có đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm gồm tên sản phẩm, nơi sản xuất, số lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thành phần cấu tạo chính.
Thực phẩm còn hạn sử dụng
Đối với thực phẩm chế biến sẵn, cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu. Lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh nếu có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm.
Được bảo quản ở điều kiện phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Đồ hộp
Nhóm thực phẩm đóng hộp ngày càng được ưa chuộng bởi:
Hạn sử dụng thường khá dài, đối với các loại đồ hộp có acid thấp như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, sản phẩm ngũ cốc, khoai tây đóng hộp có hạn dùng 2 – 5 năm; các loại sản phẩm từ cà chua, nước rau quả ép, các loại dưa muối có hạn dùng 12 – 18 tháng. Lưu ý chọn các sản phẩm còn hạn sử dụng. Nên chọn loại hai nắp hộp bị lõm vào, gõ có tiếng kêu đanh.
Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp có các hiện tượng sau:
- Hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác, nếu có hiện tượng đó thì sản phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí.
- Bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp hoặc biến dạng do va đập mạnh.
- Đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm.
- Lựa chọn những loại đồ hộp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Các loại thực phẩm không nên sử dụng
- Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu phộng khi để mốc có thể chứa độc tố vi nấm như aflatoxin gây ung thư gan.
- Rau, củ, quả có mùi lạ của hóa chất bảo vệ thực vật, thịt, thủy hải sản có mùi lạ của thuốc thú y.
- Các loại phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.