Muối dưa cải truyền thống là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt. Với vị chua dịu, đậm đà và mùi thơm đặc trưng, dưa cải muối không chỉ là món ăn kèm mà còn có thể biến tấu thành nhiều món khác như xào, canh,… Trong bài viết hôm nay, Lorca sẽ chia sẻ với bạn cách muối dưa cải truyền thống vàng giòn tại nhà. Chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã có ngay một hũ dưa muối thơm ngon rồi đó!
Xem thêm:
Nguyên liệu để làm dưa cải muối
Để làm dưa cải muối truyền thống ngon đúng vị, cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 2,5kg cải bẹ
- 100g hành lá
- 400g hành tây hoặc hành tím
- 2,5 lít nước lọc
- 25g muối hạt
- 12-15g bột canh
- 10g đường
- 3-5 quả ớt
- Hũ đựng
Hướng dẫn làm dưa cải muối vàng giòn cực ngon
Bước 1. Sơ chế cải bẹ
Cải bẹ là nguyên liệu chính cho món dưa cải muối này. Bạn nên chọn loại cải mới thu hoạch, còn tươi ngon. Không nên dùng cải quá già, dưa sẽ cứng, nhiều xơ không ngon. Tùy sở thích, có thể bỏ phần lá, chỉ giữ lại phần bẹ để muối dưa.
Cải mua về đem rửa cho sạch đất bẩn. Sau đó rải đều cải ra, phơi dưới gió cho cải hơi héo lại. Chỉ cần phơi cải đến lúc cải hơi se lại là được. Không cần phơi quá héo, dưa sẽ mất đi độ giòn ngon.
Sau khi phơi xong, tách từng bẹ cải, ngâm vào nước muối loãng. Ngâm cải khoảng 15-20 phút để làm sạch đất cát và các tạp chất còn lại.
Rửa lại cải với vòi nước, làm sạch hết chất bẩn, đặc biệt là ở các bẹ lá. Sau đó để cải vào trong rổ cho ráo nước hoàn toàn.
Bước 2. Chuẩn bị nước muối và sơ chế các nguyên liệu còn lại
Nước muối là yếu tố quan trọng giúp dưa cải lên men đều, giữ được hương vị thơm ngon.
Đun sôi hỗn hợp gồm 2,5 lít nước lọc, muối hạt và bột canh. Nếu không muốn dùng bột canh, có thể thay bột canh bằng 10g muối.
Đun sôi nước muối rồi tắt bếp. Để nước nguội đến khoảng 60 độ C, sờ thấy ấm là được. Không nên muối bằng nước quá nóng, sẽ làm chín cải. Nước quá nguội có thể ảnh hưởng tới quá trình lên men.
Hành lá nhặt và rửa sạch, cắt thành khúc 3-4cm. Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái múi cau nhỏ. Nếu không dùng hành tây, có thể thay bằng hành tím thái lát mỏng.
Bước 3. Muối dưa
Khi cải đã ráo nước, trộn đều cùng hành lá, hành tây và ớt. Tùy sở thích, có thể tăng, giảm lượng ớt cho phù hợp.
Dùng hũ sành hoặc vại để muối dưa, tránh dùng hũ nhựa hoặc dụng cụ bằng kim loại. Dưa muối có tính axit, có thể tác dụng với kim loại, tạo ra các chất không tốt cho sức khỏe.
Xếp cải, hành và ớt lần lượt vào hũ. Nén nhẹ tay để các nguyên liệu xếp đều và chặt nhau.
Khi nước muối đã đạt nhiệt độ ấm, đổ từ từ vào hũ sao cho nước ngập hết phần cải và hành. Đặt vật nặng, túi nước hoặc dùng nan gài để đè cho dưa ngập hoàn toàn trong nước muối . Nếu dưa bị nổi lên rất dễ mốc, chín không đều.
Đậy nắp hũ sành lại và để ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Dưa sẽ tự lên men mà không cần dùng giấm.
Bước 4. Thưởng thức và bảo quản
Dưa cải muối truyền thống sẽ lên men tự nhiên trong vòng 3-5 ngày. Nếu trời nóng, dưa sẽ nhanh chín hơn và ngược lại. Dưa muối chín dần dần chuyển sang màu vàng đẹp mắt và dậy mùi thơm đặc trưng.
Dưa đã chín là có thể lấy ra thưởng thức ngay. Nếu ăn không hết, bảo quản dưa trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng dần. Dưa muối theo phương pháp truyền thống, không có giấm nên có vị chua thanh tự nhiên, không bị gắt. Đường trong công thức giúp dưa chua nhanh hơn. Nếu không thích, có thể không sử dụng đường.
Vậy là Lorca đã hướng dẫn cho bạn xong cách muối dưa cải truyền thống rồi đó. Dưa muối tại nhà vừa ngon, lại có thể để lâu mà không sợ bị nhớt. Dưa vàng giòn, thơm ngon, ăn kèm với các món thịt quay, thịt luộc hay dùng để nấu canh dưa chua, xào lòng đều ngon tuyệt. Hãy vào bếp và trổ tài làm món ăn này cho cả gia đình cùng thưởng thức bạn nhé. Lorca chúc bạn thực hiện món ăn thành công!
Tìm hiểu thêm: Mua bếp từ hãng nào tốt