Lẩu cháo lòng là món ăn dân dã nhưng lại rất được yêu thích, nhất là vào những ngày thời tiết mát mẻ. Không gì tuyệt hơn khi vừa nhúng lòng nóng hổi vừa thưởng thức bát cháo thơm ngậy cùng bạn bè và gia đình. Lorca sẽ hướng dẫn bạn cách nấu lẩu cháo lòng thơm ngon tại nhà, để bạn có thể tận hưởng món này trọn vẹn nhé!
Xem thêm:
Nguyên liệu để làm lẩu cháo lòng
Để làm lẩu cháo lòng, cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Các loại lòng yêu thích: dồi, tràng, dạ dày, lòng non, cuống họng, gan, thịt dải…
- Nước luộc lòng và tiết
- Rau ăn kèm: hành lá, mùi tàu, giá, tía tô, ngổ,…
- Quẩy giòn và bún
- Gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh để nấu cháo
- Gia vị: hành tím, tỏi, ớt, hạt tiêu
Hướng dẫn nấu lẩu cháo lòng thơm ngon
Bước 1. Chuẩn bị cháo và nước dùng.
Rang sơ gạo tẻ, gạo nếp và đậu xanh cho xém vàng. Sau đó thêm nước và nấu cháo. Cháo nấu theo cách này có độ dẻo mịn, thơm ngon hơn.
Đổ nước luộc lòng và ít tiết luộc vào cháo, khuấy đều. Nêm gia vị vừa ăn sao cho cháo không quá đặc cũng không quá loãng.
Phần nước luộc còn lại, nấu nóng và thêm hành lá, mùi tàu. Phần nước này có thể chan cùng bún để ăn kèm.
Bước 2. Chuẩn bị lòng và rau ăn kèm.
Lòng và nội tạng sơ chế sạch sẽ. Luộc chín rồi thái miếng vừa ăn, bày ra mẹt hoặc đĩa lớn. Thông thường, các loại nội tạng sẽ chín theo thứ tự: gan, phèo, dồi, dạ dày, tim, lưỡi, cuống họng,… Các nguyên liệu chín đến đâu thì vớt ra đến đấy. Sau khi vớt ra thì xối nước lạnh cho nguội rồi để ráo, sau đó thái miếng vừa ăn. Cách làm này giúp nguyên liệu giữ được độ ngọt tự nhiên, không bị quá dai. Ngoài ra, lòng dồi sẽ trắng, nhìn hấp dẫn hơn.
Rau sống sơ chế sạch và để ráo.
Quẩy giòn bẻ thành từng khúc nhỏ vừa ăn.
Bước 3. Làm dồi
Dồi có nhiều cách làm khác nhau, tùy theo sở thích.
Bạn có thể làm dồi sụn, dồi tiết,… để ăn cùng lẩu cháo lòng. Nguyên liệu làm dồi thường có phèo, sụn cuống họng, nạc dăm xay. Ngoài ra, thêm tiết, lá chanh, đậu xanh (tùy chọn), các loại rau thơm và gia vị.
Băm nhỏ tất cả nguyên liệu rồi nhồi vào lòng non đã được làm sạch. Buộc 2 đầu, thả vào nồi nước luộc lòng để luộc. Dùng kim chọc vài lỗ nhỏ trên lòng để thoát bớt hơi, giúp lòng chắc hơn.
Lòng sau khi luộc chín thì vớt ra. Xả với nước lạnh rồi để ráo, sau đó cũng thái miếng vừa ăn.
Bước 3. Pha nước chấm và thưởng thức
Lòng chấm cùng nước mắm hành. Thái mỏng hành tím, tỏi, ớt, rót nước mắm cốt vào và khuấy đều. Đây là loại nước chấm đơn giản nhưng rất hợp vị với lòng.
Đặt nồi cháo lên bếp để giữ nóng.
Khi ăn, nhúng lòng vào cháo đang sôi, thêm quẩy, bún nếu thích. Rắc ít hành lá, tía tô lên bát cháo để tăng thêm hương vị. Cuối cùng, thêm hạt tiêu và tỏi phi là bạn đã có ngay một bát cháo thơm ngon, đậm đà.
Mẹo để món lẩu cháo lòng thêm hoàn hảo
- Chọn lòng tươi ngon: Lòng hay các loại nội tạng bắt buộc phải mua loại tươi, mới. Mua ở những nơi bán uy tín để đảm bảo chất lượng. Nếu lòng có màu sắc hay mùi lạ, tuyệt đối không được sử dụng.
- Sử dụng nồi đế dày: Điều này giúp tránh tình trạng cháo bị lắng dưới đáy và gây khê khi ăn. Khi nấu cháo, cần canh lửa nhỏ, khuấy liên tục để tránh cháo bị cháy.
- Có nhiều loại nước chấm để chấm cùng lẩu lòng. Đơn giản nhất là nước mắm hành. Ở một vài nơi, có thể ăn cùng với mắm tôm cũng rất đậm đà.
Cách nấu lẩu cháo lòng rất đơn giản phải không nào? Lẩu cháo lòng không chỉ ngon miệng mà còn mang lại cảm giác ấm áp cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, món ăn này rất giàu đạm, chất béo, không tốt cho người thừa cân béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. Hãy chú ý để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình bạn nhé!
Tìm hiểu thêm: REVIEW đồ gia dụng, tưởng KHÔNG HAY mà HAY KHÔNG TƯỞNG