Trong mỗi căn bếp gia đình, chảo chống dính là một dụng cụ quen thuộc. Nếu sử dụng không đúng cách thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hãy bỏ túi ngay những lưu ý khi sử dụng chảo chống dính để tránh nguy cơ ung thư nhé!
- Đọc thêm:
Những điều cần tránh khi sử dụng các dụng cụ inox để nấu ăn
Chảo bị biến dạng
Bề mặt biến dạng thì chiếc chảo sẽ không nằm thẳng trên bề mặt bếp. Khi chế biến, thức ăn chín không đều, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của thức ăn và người dùng có nguy cơ ăn phải thực phẩm chưa chín hẳn.
Bề mặt chảo bị trầy xước
Axit Perfluorooctanoic (PFOA) còn gọi C8, là một hóa chất nhân tạo được sử dụng trong quá trình sản xuất mặt chảo chống dính. PFOA có nguy cơ gây bệnh ung thư khi bề mặt chảo bị trầy xước và hòa trộn vào thức ăn. Đôi khi người dùng có thể nhầm lẫn hóa chất lốm đốm của chảo với hạt tiêu đen trong thực phẩm.
Ngoài PFOA, nhiều hóa chất khác được sử dụng trong quá trình sản xuất chảo chống dính có thể ngấm vào thức ăn khi chế biến. Tùy thuộc nguyên liệu, các hóa chất nguy hiểm có thể gây nhiều bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Chảo bị đổi màu
Những chiếc chảo gỉ sét và đổi màu là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên mua chảo mới. Nếu gỉ hay các chất liệu khác từ chảo rơi vào thức ăn, chúng có thể gây hại cho sức khỏe.
Nếu chưa thể thay chảo thì bạn có thể dùng muối và giấm để loại bỏ những vết gỉ hoặc tình trạng đổi màu của chảo. Tuy nhiên, tốt nhất thì vẫn nên thay chảo để đảm bảo an toàn cho bạn và người thân trong gia đình.
Việc sử dụng đúng cách chảo chống dính sẽ giúp tăng tuổi thọ của chảo và giúp người sử dụng tránh được các vấn đề liên quan đến sức khỏe do các hóa chất chống dính lẫn vào thức ăn.
Nấu ăn ở nhiệt độ vừa phải
Không nên dùng nhiệt quá cao khi chế biến đồ ăn, đặc biệt là khi rán thức ăn để bảo vệ lớp chống dính và tránh thức ăn bị biến đổi gây hại cho sức khỏe.
Không chùi rửa chảo bằng miếng kim loại
Chùi rửa chảo bằng miếng rửa kim loại sẽ khiến bề mặt chảo bị trầy xước, lớp chống dính bị bong tróc làm chảo nhanh hỏng và khiến chất chống dính dễ lẫn vào thức ăn.
Không rửa khi chảo còn quá nóng
Khi chảo đang nóng mà bạn đổ nước lạnh vào để rửa chảo sẽ khiến chảo bị biến dạng và lớp chống dính bị bong tróc do nhiệt độ thay đổi đột ngột. Vì thế bạn nên đợi chảo nguội rồi mới tiến hành vệ sinh để đảm bảo an toàn.
Đối với các vết bẩn cứng đầu, bạn nên chờ chảo nguội rồi ngâm với nước trong 30 phút rồi mới chùi rửa.
Không để chảo ở nhiệt độ cao khi chưa có đồ ăn
Nhiều người có thói quen làm nóng chảo rồi mới cho thực phẩm vào chế biến. Khi sử dụng chảo chống dính thì việc này hoàn toàn không nên. Nhiệt độ quá cao khiến chất chống dính bị phân hủy và giải phóng chất độc gây ung thư. Khi nấu ăn bạn nên để chảo ở mức nhiệt trung bình hoặc thấp, tuyệt đối không để chảo rỗng trên bếp nóng khi không có dầu mỡ hoặc thức ăn.
Không dùng thìa kim loại để đảo thức ăn
Khi đảo thức ăn bằng thìa kim loại sẽ khiến lớp chống dính bị trầy xước, có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Khi sử dụng chảo chống dính, tốt nhất bạn nên dùng thìa gỗ để không gây tổn hại bề mặt chảo.
Thay chảo mới khi lớp chống dính bị hỏng
Khi chảo bị bong tróc lớp chống dính bạn cần thay ngay chảo mới. Thông thường sau 1 – 2 năm sử dụng, bạn nên thay chảo mới. Vì khi nấu ăn ở nhiệt cao trong thời gian dài khiến chất chống dính bị biến đổi thành lớp khói nguy hại cho sức khỏe và khả năng chống dính cũng không còn tốt như lúc ban đầu.