Mỡ đường là một trong những thành phần không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng của bánh trung thu thập cẩm truyền thống. Đây là phần “linh hồn” giúp bánh có độ béo ngậy, thơm ngon. Trong bài viết dưới đây, Lorca sẽ hướng dẫn cho bạn cách làm mỡ đường tại nhà, đơn giản và dễ thực hiện. Nếu bạn đang có ý định tự tay làm bánh trung thu thập cẩm cho mùa Trung thu này, đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Xem thêm:
Nguyên liệu làm mỡ đường nhân bánh thập cẩm
Để làm phần mỡ đường cho nhân bánh thập cẩm, cần chuẩn bị:
- Mỡ gáy giòn/vai giòn: 1kg
- Đường kính: 400g
- Hoa hồi: 10 bông
- Quế khô: 3 thanh nhỏ
- Rượu trắng: Nửa cốc
- Muối hạt: 1 thìa
Hướng dẫn làm phần mỡ đường cho nhân bánh thập cẩm
Bước 1. Sơ chế phần mỡ
Mỡ dùng làm mỡ đường phải là phần mỡ khổ. Ưu tiên chọn phần mỡ gáy hoặc mỡ vai vì chúng có độ giòn, trắng thơm nhất. Mỡ rau khi mua về thì rửa sạch. Lọc bỏ hoàn toàn phần da bì và phần thịt còn sót lại.
Chần mỡ sơ qua với nước sôi rồi rửa lại cho sạch. Cho mỡ vào nồi, đặt lên bếp. Thêm quế, hồi và rượu trắng vào cùng, đun sôi. Luộc mỡ cho tới khi mỡ chín là được. Bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng dĩa hoặc que xiên xiên qua. Nếu thấy xiên dễ dàng thì là mỡ đã chín. Lưu ý, chỉ cần luộc chín tới, không nên luộc nhừ quá.
Vớt mỡ ra và để nguội hoàn toàn. Dùng khăn khô thấm sạch nước và phần mỡ còn đọng lại để mỡ không bị ẩm. Dùng dao lược bỏ bớt phần mỡ mềm, thịt và bì còn sót lại. Thái mỡ thành các miếng nhỏ hạt lựu.
Bước 2. Ướp đường và hong mỡ
Cho mỡ đã thái nhỏ vào bát lớn, thêm đường kính vào và trộn đều. Dùng tay bóp nhẹ để đường thấm vào từng miếng mỡ.
Dàn mỡ đã trộn đường ra khay phẳng. Đặt khay ở nơi thoáng mát, có ánh nắng không trực tiếp để giúp mỡ khô tự nhiên. Thỉnh thoảng đảo đều để mỡ khô đều và không bị ẩm.
Sau 1 ngày, mỡ sẽ bắt đầu tan đường và trở nên trong suốt. Để khô hoàn toàn, bạn cần phơi mỡ trong khoảng 3 ngày. Trong thời gian này, mỡ sẽ trở nên giòn và dễ bảo quản lâu hơn.
Không sử dụng lò nướng để sấy khô mỡ vì điều này có thể làm mỡ chảy nước và cháy khô do có đường. Bọc kín hoặc che chắn kỹ lưỡng mỡ khi phơi ngoài trời để tránh bụi bẩn, côn trùng.
Bước 3. Bảo quản và sử dụng
Sau khi mỡ đã khô hoàn toàn, chia thành từng túi nhỏ để bảo quản. Bạn có thể bảo quản mỡ đường trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu muốn giữ mỡ lâu hơn, có thể cấp đông để sử dụng dần.
Khi cần sử dụng, chỉ cần đảo qua trên bếp hoặc quay lò vi sóng để làm ấm lại. Mỡ sẽ trở nên thơm ngon, dẻo và giòn, sẵn sàng để làm bánh trung thu thập cẩm.
Mỡ đường có thể giữ được cả năm không hỏng nếu bảo quản tốt.
Làm mỡ đường tại nhà không chỉ giúp bạn yên tâm hơn về chất lượng mà còn tiết kiệm hơn so với việc mua loại mỡ đường làm sẵn. Với cách làm mỡ đường nhân thập cẩm mà Lorca vừa giới thiệu, những chiếc bánh thập cẩm thơm ngon, chuẩn vị không còn quá khó làm nữa. Chúc bạn thực hiện thành công và có một mùa Trung thu thật ý nghĩa bên gia đình!